Bất kỳ ứng dụng nào trên iPhone cũng đều có khả năng nghe các cuộc trò chuyện của bạn và sử dụng nó để nhắm mục tiêu cho bạn bằng những quảng cáo phù hợp. Mặc dù hầu hết các công ty, bao gồm cả Facebook và Apple đã ra mặt và kịch liệt phủ nhận những thông tin về việc họ nghe lén người dùng, nhưng ai trong số họ sẽ nói sự thật? Cách duy nhất để chắc chắn rằng bạn an toàn trên không gian mạng đó là bạn phải tự mình ra tay.
Bất kể việc một số công ty nhìn thì có vẻ như họ minh bạch, nhưng họ vẫn đang kinh doanh để kiếm tiền và luôn muốn biết mọi thứ về bạn để có thể giúp họ kiếm được hàng tỷ đô la.
Trong bài viết này, mình sẽ giải thích cho bạn về công nghệ mà các ứng dụng này sử dụng để nghe lén bạn, và cách bạn ngăn chặn chúng truy cập vào micrô của iPhone hoặc iPad. Ngay cả khi những ứng dụng này không nghe tất cả các cuộc trò chuyện của bạn, thì điều đó vẫn an toàn hơn là lời xin lỗi sau khi mọi chuyện bị phanh trần.
Những ứng dụng về game có nghe lén không?
Trở lại vào tháng 12/2017, tờ báo The New York Times đã xuất bản một bài viết chi tiết về cách mà một số tựa game di động sử dụng micrô của điện thoại để nghe một số loại âm thanh nhất định xung quanh người dùng.
Những tựa game này sử dụng phần mềm từ một công ty có tên là Alphonso, chuyên thu thập dữ liệu mà người dùng đang xem rồi bán cho các nhà quảng cáo, một số game có thể sử dụng micrô trên điện thoại của bạn để tìm hiểu về những gì mà bạn đang xem, nghe được từ TV, bao gồm cả máy chơi game, chương trình TV, chương tình phát trực tiếp và quảng cáo.
Những thông tin này sau đó sẽ được phân tích và kết hợp với vị trí của bạn (đúng vậy, họ cũng có thể theo dõi vị trí của bạn) để tìm hiểu xem đoạn quảng cáo nào thúc đẩy bạn đi đến một cửa hàng hay một nhà bán lẻ nào đó.
Trước đây, khi bạn truy cập vào trang web của Alphonso, họ thậm chí còn có một biểu mẫu để các nhà phát triển ứng dụng trên di động sao chép và dán nó vào phần mô tả ứng dụng của họ, trang này cũng giải thích các ứng dụng nào được tích hợp phần mềm Automated Content Recognition (Nhận dạng nội dung tự động, viết tắt là “ACR”) của họ thì đều có thể nghe lén bạn.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là:
- Các mẫu âm thanh đó sẽ không chuyển trực tiếp từ thiết bị của bạn đến máy chủ của Alphonso mà thay vào đó nó sẽ được “băm nhỏ” vào chữ ký âm thanh kỹ thuật số.
- Phần mềm ACR nói trên sẽ không nhận ra hoặc hiểu các cuộc trò chuyện của con người.
- Và quan trọng nhất là phần mềm này chỉ có quyền truy cập vào micrô điện thoại của bạn khi bạn đồng ý cho nó truy cập.
Một lưu ý khác nữa là tại thời điểm mà bài viết này được đăng tải trên Thủ Thuật iOS, thì không còn ứng dụng nào sử dụng phần mềm ACR để nghe lén bạn trên App Store nữa.
“Hey Siri” và những thứ khác
Đáng buồn thay, các tựa game độc hại này không phải là những thứ duy nhất có thể nghe lén bạn. Bạn có đang sử dụng tính năng “Hey Siri” hay “OK Google” để gọi nhanh trợ lý ảo không? Nếu vậy, các dịch vụ/ứng dụng này cũng đang nghe bạn và có khả năng chúng còn ghi âm lại các cuộc trò chuyện của bạn.
Mặc dù Apple gần đây đã gửi thư cho trang Reuters, tuyên bố rằng các thiết bị của họ không ghi lại âm thanh của người dùng khi họ dùng Siri, nhưng làm sao chúng ta có thể chắn chắn được những lời tuyên bố của các công ty công nghệ là sự thật.
Thậm chí tệ hơn, nhiều khả năng là các ứng dụng khác trên điện thoại của bạn, chẳng hạn như Facebook và Instagram cũng có thể có hàng trăm hoặc hàng ngàn tính năng được kích hoạt ẩn khác, mặc dù đây chỉ là phỏng đoán.
Một cuộc trò chuyện nói về dự định của bạn sắp mua cái gì đó sẽ âm thầm kích hoạt tính năng nghe lén người dùng, sau đó những thông tin này sẽ được ghi lại và truyền đi ở dạng mã hóa, từ đó các dịch vụ này cũng sẽ truyền những quảng cáo phù hợp về cho bạn.
May mắn thay, các ứng dụng đó chỉ có thể nghe lén bạn và kích hoạt các trình nghe lén khác nếu bạn cấp cho chúng quyền truy cập vào micrô trên thiết bị của bạn.
1. Không cấp quyền truy cập micrô cho ứng dụng
Lần đầu tiên bạn tải về và sử dụng một ứng dụng, nó có thể yêu cầu bạn cấp cho nó quyền truy cập vào micrô của điện thoại. Mặc dù ứng dụng đó có thể thật sự cần quyền truy cập vào micrô của thiết bị để nó hoạt động (như WhatsApp), nhưng nó có thể không cần thiết cho những ứng dụng khác (như Fortnite).
Nếu một ứng dụng yêu cầu bạn quyền được truy cập vào micrô, hãy nhấn vào Từ chối (Don’t Allow). Ngay cả khi bạn lỡ tay cấp cho ứng dụng quyền truy cập vào micrô, bạn luôn có thể vào cài đặt và xóa quyền truy cập đó sau này.
Nhưng điều đáng chú ý là nếu bạn xóa quyền truy cập vào micrô thì nó có thể làm hỏng một số tính năng nhất định trong một số ứng dụng.
Ví dụ: trong ảnh chụp màn hình ở trên, tính năng tìm kiếm bằng giọng nói của Amazon sẽ không hoạt động nếu không có quyền truy cập vào micrô. Nếu bạn không muốn như vậy, bạn luôn có thể kích hoạt lại quyền truy cập micrô bằng các bước hướng dẫn bên dưới. Dù vậy, bạn chỉ nên thực hiện việc này một cách có chọn lọc và chỉ với các ứng dụng mà bạn tin tưởng.
2. Xóa quyền truy cập micrô vào ứng dụng của bên thứ ba
Nếu bạn muốn xóa quyền truy cập micrô của ứng dụng bên thứ ba sau khi lỡ tay cấp cho chúng, bạn chỉ cần điều hướng đến ứng dụng Cài đặt – Quyền riêng tư – Micrô (Settings – Privacy – Microphone). Tại đây, bạn sẽ thấy danh sách các ứng dụng bên thứ ba có quyền truy cập vào micrô trên thiết bị của bạn.
Nhấn vào nút màu xanh lá bên cạnh ứng dụng để xóa quyền truy cập vào micrô.
3. Tắt ‘Hey Siri’
Không phải tất cả các ứng dụng có quyền truy cập vào micrô của bạn sẽ đều xuất hiện trong cài đặt Micrô như ở trên, kể cả Siri. Nếu bạn không dùng đến tính năng “Hey Siri” để gọi nhanh Siri, thì hãy tắt tính năng này đi.
Bạn hãy điều hướng đến ứng dụng Cài đặt – Siri & Tìm kiếm (Settings – Siri & Search), kéo xuống dưới và tắt tùy chọn Lắng nghe “Hey Siri” (Listen for “Hey Siri”) đi. Mặc dù Siri vẫn sẽ sử dụng micrô của bạn khi bạn bật nó, nhưng nó sẽ không chủ động nghe giọng nói của bạn ở chế độ chờ nữa.
Xem thêm: 9 mẹo để nâng cao tính riêng tư của trình duyệt Safari trong iOS
Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu hơn về cách mà các dịch vụ thu thập thông tin của bạn nhằm phục vụ cho nhu cầu quảng cáo của họ, cũng như biết cách xem những ứng dụng nào đang âm thầm sử dụng micrô của bạn để từ đó, xóa quyền truy cập này đối với những ứng dụng mà bạn không tin tưởng.
Nếu bạn thấy bài viết này hay và hữu ích, hãy chia sẻ nó đến bạn bè và người thân của bạn nữa nhé.
Theo Gadget Hacks
Bình luận