Đợt sinh nhật vừa rồi mình được tặng một chiếc Apple AirPods Max. Với giá bán chính hãng là 12.990.000đ và có sẵn năm màu: Xám không gian, Bạc, Xanh lá, Xanh dương và Hồng.
Chiếc mình được tặng là màu xanh dương, thật trùng hợp khi mình cũng đang dùng iPhone 13 Pro Max màu Sierra Blue. Dưới đây là bài viết mở hộp và trên tay nhanh của mình.
Mở hộp
Trong hộp gồm có AirPods Max, sách hướng dẫn sử dụng (không có sticker logo Apple) và cáp USB-C to Lightning để sạc.
Tính năng
AirPods Max được trang bị con chip H1 của Apple ở mỗi bên tai, chip này cũng xuất hiện trong AirPods 2/3, AirPods Pro và Beats Studio Buds. Có bốn cảm biến trên mỗi tai bao gồm cảm biến quang học, vị trí, phát hiện case và gia tốc kế. Tai trái có thêm một cảm biến là con quay hồi chuyển.
Một số tính năng nổi bật của AirPods Max:
- Dynamic Driver do Apple thiết kế
- Khử tiếng ồn chủ động (Active Noise Cancellation)
- Chế độ xuyên âm (Transparency mode)
- EQ thích ứng (Adaptive)
- Âm thanh không gian với tính năng theo dõi chuyển động đầu
AirPods Max có tổng cộng 9 micrô. Trong đó 8 micrô dành riêng cho tính năng khử tiếng ồn chủ động và 3 micrô để thu giọng nói (có 2 micrô được chia sẻ với tính năng khử tiếng ồn chủ động và 1 micrô bổ sung).
Một số mẫu tai nghe over-ear, có headband (phần cong tiếp xúc với đầu) và đệm tai bằng da sẽ bị mục sau hai đến ba năm sử dụng do chất liệu của chúng. Tuy nhiên, mình tin rằng AirPods Max sẽ có độ bền cao hơn hơn vì cả headband và đệm tai đều được làm bằng vải lưới.
Apple cũng có bán riêng đệm tai AirPods Max để thay thế nhưng giá khá đắt, 69 USD cho một cặp (khoảng 1.900.000đ).
Việc thay thế đệm tai rất dễ vì nó được gắn vào AirPods Max bằng nam châm.
Các nút điều khiển và cổng Lightning ở bên phải.
Như đã nói ở đầu bài viết, trong hộp có sẵn cáp USB-C to Lightning để sạc. Rất mong một ngày nào đó Apple sẽ chuyển sang dùng USB-C luôn cho tiện.
AirPods Max khá nặng, khoảng 385g và bản thân smart case nặng khoảng 135g.
Hầu hết các đánh giá về AirPods Max mình từng xem đều cho rằng Smart Case khá vô dụng vì nó không bảo vệ tai nghe nhiều, đặc biệt là xung quanh khu vực headband. Và sau một thời gian sử dụng, mình cho rằng đánh giá này là đúng. Đó là lý do tại sao mình sẽ mua một cái case cứng của bên thứ ba cho AirPods Max.
Vật liệu của Smart Case giống với bao da dành cho iPad (Magic Keyboard, Smart Keyboard Folio,…), nó dễ bám bẩn và nhanh xuống cấp sau một thời gian sử dụng. Bên trong được phủ một lớp vải nhung để bảo vệ tai nghe, lớp này cũng giống mặt trong của bao da iPad.
Mình đã sử dụng AirPods Max được vài tháng rồi. Và mình cũng có tai nghe Sony WH-1000XM4, nên dưới đây là so sánh nhanh của mình giữa hai chiếc tai nghe này.
Để sử dụng tai nghe trong thời gian dài, Sony WH-1000XM4 sẽ thoải mái hơn vì nó nhẹ hơn nhiều, chỉ nặng 254g so với 385g trên AirPods Max. Khi sử dụng AirPods Max, bạn sẽ luôn có cảm giác có vật gì đó đè lên đầu do trọng lượng khá nặng của nó. Ngoài ra, tùy kích cỡ đầu của bạn mà bạn sẽ cảm thấy lực ép của AirPods Max khá mạnh. Mình là một người đeo kính và lực ép mạnh khiến tai nghe đè vào gọng kính và gây đau phần sau tai nếu đeo AirPods Max trong thời gian dài.
Về chất lượng âm thanh, mình không phải là một người đánh giá âm thanh chuyên nghiệp nhưng có thể cảm nhận được âm trầm của cả hai chiếc tai nghe này đều tốt, tuy nhiên AirPods Max nổi bật với âm thanh rõ ràng và tinh tế hơn, âm thanh của Sony WH-1000XM4 cảm giác hơi lùng bùng.
Về khả năng chống ồn, cả AirPods Max và Sony WH-1000XM4 đều làm tốt. Tuy nhiên có một điều mình phải nói là chống ồn của AirPods Max hay AirPods Pro nói chung dễ khiến mình bị đau đầu, nhưng chống ồn của Sony WH-1000XM4 thì không, do đó mình khá ít dùng tính năng chống ồn của AirPods Max.
Tóm lại, AirPods Max chiến thắng về chất lượng âm thanh và khả năng hoàn thiện cao cấp, nhưng Sony WH-1000XM4 chiến thắng về sự thoải mái.
Bài mở hộp và trên tay của mình về AirPods Max đến đây là kết thúc, hy vọng bạn sẽ thấy bài viết này hữu ích, đừng quên để lại bình luận bên dưới nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì về chiếc tai nghe này nhé.
Bình luận